“Rèn luyện khả năng tự lập từ nhỏ” là cụm từ phổ biến mà phương pháp Montessori hay nhắc đến. Ở trẻ nhỏ luôn tồn tại tâm lý khao khát được tự làm mọi việc. Nếu bố mẹ có thể giúp trẻ đạt được điều đó bằng cách trao quyền cho chúng, trẻ sẽ cảm thấy mình có năng lực và tự tin vào bản thân.

Theo phương pháp Montessori, có những điều cha mẹ nên để trẻ tự làm từ khi còn nhỏ và nên khuyến khích trẻ làm để sau này trẻ có thể tự lập và năng động hơn trong cuộc sống:

1. Mặc quần áo

Trẻ em bắt đầu tham gia các lớp học Montessori vào khoảng 18 tháng tuổi và được khuyến khích tự mặc và cởi quần áo kể từ thời điểm này. Đây là giai đoạn mà các thao tác diễn ra rất chậm, trẻ thường được thực hành cởi quần áo trước sau khi thuần thục mới đến mặc quần áo. Giáo viên tại lớp sẽ kiên nhẫn thực hiện từng bước cùng trẻ, từ việc kéo quần xuống đến việc tháo khóa dán trên giày.

Để thử cách này ở nhà, hãy chọn thời gian thích hợp và không nên quá vội vã để thực hành cùng con mình. Quần áo và giày dép phải dễ dàng mang vào và cởi ra. Sau khi bạn làm mẫu cho trẻ xem một vài lần, hãy cho trẻ thời gian thực hành. Sau đó cẩn thận quan sát trẻ làm việc, giúp trẻ khi trẻ cần để trẻ có thể tự cởi quần áo và mặc quần áo thành công. Theo thời gian, trẻ sẽ quen dần với việc này và sẽ ít cần đến sự giúp đỡ của bạn hơn.

2. Lau mũi

Theo phương pháp Montessori, trẻ mới biết đi có thể tự lấy khăn và nhìn mình qua gương trong khi tập lau mũi để xem khuôn mặt của chính mình đã trở nên sạch sẽ như thế nào.

Nhiệm vụ này có thể không được thực hiện nhanh chóng hoặc hoàn toàn sạch sẽ sau mỗi lần tự thực hành, nhưng khi được trao quyền, trẻ sẽ phát triển nhận thức và tăng độ tự tin mỗi khi một kỹ năng mới được tiếp thu vào bộ não bé nhỏ của mình.

3. Sắp xếp bàn ăn

Ngay từ khi biết đi, những trẻ được tiếp xúc với phương pháp Montessori sẽ biết giúp người lớn sắp xếp bàn ăn. Điều này bắt đầu với những công việc đơn giản như xếp đĩa ra bàn ăn hoặc tự cầm lấy hộp cơm trưa của mình. Khi trẻ lớn hơn, mức độ phức tạp của công việc sẽ được tăng lên ví dụ như  trẻ có thể tự trải khăn ăn, đặt đĩa, thìa và cốc nước,…

Để thử cách này ở nhà, ba mẹ hãy đặt giá đựng thức ăn xuống thấp để trẻ có thể tự lấy đồ ăn. Cha mẹ có thể chỉ cho trẻ cách bưng từng đồ vật một cách cẩn thận, mỗi lần chỉ bưng một đồ vật bằng hai tay. Nếu bàn cao, bố mẹ có thể kê một chiếc ghế nhỏ trên ghế ăn để trẻ ngồi gần bàn hơn.

4. Lau bàn và lau sàn

Dọn sạch những gì bản thân đã làm đổ là kỹ năng mà trẻ Montessori phải học từ sớm. Ngay cả khi bàn hoặc sàn nhà không vấy bẩn, chúng vẫn biết cách lau cho sạch sẽ với nước và xà bông và cảm thấy tự hào khi nhìn thấy kết quả lao động của mình.

Để thử điều này ở nhà, bố mẹ hãy đưa cho trẻ một cây chổi nhỏ và khuyến khích trẻ giúp mình quét dọn sau bữa ăn, hoặc một chiếc khăn nhỏ để trẻ lau dọn bàn sau khi ăn. Bố mẹ cũng có thể đưa cho trẻ một bàn chải và cho trẻ thời gian chà cọ rửa đồ chơi chúng đã chơi trong nhà.

5. Sắp xếp đồ chơi

Trẻ được giáo dục theo phương pháp Montessori được kỳ vọng biết tự dọn đồ chơi mà không cần ai nhắc nhở. Mọi thứ trong lớp đều được xếp ngay ngắn ở vị trí cụ thể và trẻ sớm hiểu rằng mọi người trong xã hội đều phải tự dọn dẹp mọi thứ sau khi dùng xong.

Để thử điều này ở nhà, bố mẹ hãy yêu cầu trẻ cất đồ chơi ngay sau khi chơi xong trước khi lấy ra một thứ khác. Đối với trẻ bé hơn có thể cần bố mẹ hỗ trợ dọn dẹp cùng chúng, đặc biệt nếu đồ chơi là những mảnh ghép nhiều chi tiết nhỏ.

6. Sơ chế thức ăn

Việc sơ chế thức ăn trong nhà bếp luôn là nhiệm vụ yêu thích của trẻ em học theo phương pháp Montessori. Sự hào hứng của trẻ xuất phát từ việc sử dụng các dụng cụ thật thay vì đồ chơi, góp phần chuẩn bị bữa ăn hàng ngày.

Ở nhà, ba mẹ hãy giới thiệu từng dụng cụ, kỹ năng cần thiết trong nhà bếp một cách chậm rãi, luôn quan sát để đảm bảo an toàn nhưng vẫn để trẻ có sự tự do nhất định.

7. Giải quyết khúc mắc với bạn bè

Dù Montessori tập trung dạy trẻ về sự tử tế và kỹ năng ứng xử hòa hợp, tuy nhiên sự bất đồng giữa những đứa trẻ vẫn là điều không thể tránh khỏi. Thay vì đóng vai trò trọng tài, giáo viên thường hỗ trợ và hướng dẫn, giúp trẻ thảo luận với nhau về những gì chúng cần và muốn để giải quyết tình huống mâu thuẫn.

Để thử điều này ở nhà, khi trẻ con cãi nhau với một người bạn hoặc anh chị em, bố mẹ hãy lùi lại một bước và xem cách chúng tự xử lý tình huống. Trong trường hợp nếu bọn trẻ có dấu hiệu dùng bạo lực hoặc tình huống đã trở nên quá gay gắt, bố mẹ có thể bước vào can thiệp nhưng chỉ nên khuyên giải tối thiểu để giúp trẻ tự mình vượt qua tình huống.

8. Chơi một mình

Các bài học trong phương pháp Montessori thường dành cho cá nhân hơn là một nhóm, do đó trẻ sẽ có nhiều thời gian độc lập ở trường để học và thực hành.

Để thử điều này ở nhà, nếu trẻ luôn đòi chơi với bố mẹ, bố mẹ hãy bắt đầu với những việc trì hoãn trong thời gian ngắn. Bố mẹ có thể nói một điều gì đó để trì hoãn như “Mẹ sẽ rửa chén bát rồi sẽ chơi với con nhé!”. Từ từ kéo dài thời gian đến khi trẻ cảm thấy thoải mái khi chơi một mình.

9. Chăm sóc thú cưng

Thú cưng thường xuất hiện trong các lớp học Montessori, vì chúng cho phép trẻ quan sát và nắm kiến thức về sinh học trong cuộc sống thực, đồng thời mang lại cơ hội cho trẻ tự chăm sóc một con vật. Trẻ có thể cho thú cưng ăn, uống nước hàng ngày và thậm chí trẻ còn có thể giúp chúng tắm rửa sạch và dọn dẹp sạch môi trường sống của chúng.

Để thử điều này ở nhà, nếu bố mẹ cho con nuôi một con vật ở nhà, hãy cho trẻ biết cách cho con vật ăn hoặc chỉ cho trẻ cách rửa bát thức ăn của vật nuôi để giữ cho nó sạch sẽ.

10. Suy nghĩ độc lập

Giáo viên dạy theo phương pháp Montessori thường trả lời câu hỏi của trẻ bằng một câu hỏi khác: “Con có thể tìm nó ở đâu?”, “Tiếp theo con nên làm gì nào?”, “Con đang thiếu thứ gì?”. Với những câu hỏi như vậy sẽ góp phần khuyến khích trẻ suy nghĩ về một vấn đề thay vì nhờ người lớn đưa ra giải pháp.

Để thử điều này ở nhà, bố mẹ có thể sử dụng các câu hỏi tương tự những câu hỏi ở trên để giúp trẻ suy nghĩ độc lập hơn.

Nguồn: BTEducation tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *